EN | VN
Phòng Sinh Hoạt Chung Của Công Trình Biệt Thự Nên Như Thế Nào

Phòng sinh hoạt chung là nơi sum họp, thư giãn, giải trí của cả gia đình, cùng với không gian bếp và phòng ăn, phòng sinh hoạt chung cũng đóng vai trò rất lớn trong việc gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, yếu tố quan trọng trước hết cần đảm bảo phòng sinh hoạt chung phải tạo được không gian thoải mái và ấm cúng, sau đó tùy những điều kiện về diện tích, phong cách gia chủ, sở thích các thành viên trong gia đình... mà có những cách bài trí phòng sinh hoạt chung cho phù hợp.

Đối với công trình biệt thự, đa phần có thể bố trí được một không gian đủ lớn cho phòng sinh hoạt chung để có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng của gia chủ. Phòng sinh hoạt chung có xu hướng đa chức năng, có thể đơn thuần là nơi diễn ra các hoạt động giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình, cũng có thể là nơi chơi đùa của con trẻ, là nơi thư giãn xem phim, nghe nhạc, thậm chí có thể bố trí một thư viện nhỏ, một góc chơi đàn... Dù có sử dụng vào mục đích gì, thì ưu tiên hàng đầu cần bố trí phòng sinh hoạt chung ở vị trí có và lấy được ánh sáng tự nhiên qua các cửa sổ lớn, có tầm nhìn thông thoáng ra sân vườn, cây cảnh... và tránh nhìn ra mảng tường lớn nhà lân cận hoặc nơi có tiếng ồn.

Ở tầng trệt, phần lớn diện tích dành cho phòng khách, bếp và phòng ăn, nên nếu muốn có thể bố trí ở tầng trệt kết hợp với phòng khách một không gian vừa đủ cho góc sinh hoạt chung phục vụ cho các hoạt động giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình. Có điều kiện hơn, gia chủ có thể giành hẳn một không gian riêng để sử dụng làm phòng sinh hoạt chung cho cả gia đình. Thuận tiện và phổ biến nhất vẫn là việc sử dụng không gian sảnh tại các tầng, nơi liên kết giao thông các phòng với nhau để bố trí phòng sinh hoạt chung.

Nội thất cho phòng sinh hoạt chung phải đảm bảo sự cân bằng, tránh chọn đồ đạc quá lớn so với không gian trong phòng, bố trí gọn gàng không làm cản lối đi lại:

- Kệ ti vi rộng vừa phải, hài hòa với loại tivi đi cùng

- Có thể kết hợp thêm một tấm thảm có kích thước hài hòa với bộ ghế sofa để tạo điểm nhấn ấm áp, thân thiện.

- Sử dụng các vật trang trí như tranh treo tường, tượng, bình, lọ... phù hợp với không gian

- Nếu có một thư viện nhỏ, hãy tận dụng đặt các kệ sách tại các mảng tường lớn để làm điển nhấn trang trí

Mỗi gia đình có một phong cách thể hiện riêng qua việc lựa chọn và phối màu cho tường, trần, nội thất trong phòng. Những gam màu nhẹ nhàng, trang nhã thích hợp cho không gian quây quần ấm cúng. Ngược lại, những màu sắc tươi mới, tương phản sẽ đem lại cảm giác vui tươi, sôi nổi và nhiệt huyết.

- Tường ngoài việc sơn nước, nếu cần tạo điểm nhấn trang trí có thể ốp gạch hay gỗ trên tường

- Sàn nên lát gạch không quá bóng dễ trơn trượt, chỉ chọn gạch có độ nhám vừa phải.

- Kiểu trần nên đơn giản, tránh rườm rà. Nên đóng trần giật cấp, ở trung tâm cao để gắn đèn treo trang trí và phần chung quanh thấp thì lắp đèn âm trần

- Có thể sử dụng thêm rèm cửa, vừa hạn chế ánh mặt trời gay gắt bên ngoài, vừa kết hợp để trang trí.

Mỗi gia đình có cách bố trí phòng sinh hoạt chung khác nhau tùy điều kiện riêng của mình, tuy nhiên tốt nhất vẫn cần có sự đầu tư nghiên cứu giữa đơn vị thiết kế và gia chủ để có một không gian đẹp, thể hiện phong cách, tiện dụng và phù hợp với nhu cầu thực tế.

Hình ảnh công trình do CAT NGHI Interior cung cấp
(bài viết có sử dụng tư liệu bên ngoài làm nguồn tham khảo)